Thành lập doanh nghiệp trải qua một số bước nhất định và trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng vậy. Giải thể doanh nghiệp trải qua các bước: quyết định giải thể doanh nghiệp, thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp và kết thúc thủ tục giải thể doanh nghiệp. Nắm được quy trình này thì khi doanh nghiệp rơi vào một trong hai trường hợp giải thể tự nguyện hay bắt buộc thì việc giải thể cũng sẽ được tiến hành dễ dàng và thuận lợi hơn.
TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP
Thông thường một doanh nghiệp khi được thành lập ra thường để tìm kiếm lợi nhuận và để đạt được những mục đích mà doanh nghiệp đề ra. Vì vậy sau một quá trình hoạt động khi mà doanh nghiệp đã đạt được những mục đích ban đầu thì doanh nghiệp sẽ nghĩ đến việc giải thể.
Và lý do giải thể của doanh nghiệp cũng có thể là do ý chí của Nhà nước và đến từ sự tác động của pháp luật. Vậy trình tự giải thể doanh nghiệp được diễn ra như thế nào? Để tìm hiểu về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp, mời bạn đọc cùng Luật Nguyễn ACE làm rõ trong bài viết này.
VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Nghị định 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 4 năm 2021 quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp.
TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
Điều đầu tiên mà chúng ta quan tâm khi nhắc đến trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp đó là có mấy hình thức để giải thể. Theo như quy định của pháp luật hiện hành, có hai hình thức giải thể doanh nghiệp là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc. Thủ tục giải thể được tiến hành tại doanh nghiệp về cơ bản là giống nhau trong cả hai trường hợp này.
Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp thường trải qua các bước: Đầu tiên là Quyết định giải thể doanh nghiệp; Thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp và Kết thúc thủ tục giải thể.
BƯỚC 1: QUYẾT ĐỊNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP
Đây là bước đầu tiên của trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp. Việc thông qua quyết định giải thể được tiến hành bởi chủ sở hữu hoặc là đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp, đó là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp tư nhân), hội đồng thành viên (công ty TNHH hai thành viên trở lên) và đại hội đồng cổ đông (công ty cổ phần).
Đối với trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể mà không có sự lựa chọn khác. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông qua quyết định giải thể theo thủ tục tương ứng với từng loại doanh nghiệp, đó là triệu tập họp hội đồng thành viên ở công ty TNHH hai thành viên trở lên, triệu tập họp hội đồng thành viên ở công ty cổ phần.
Trên cơ sở biên bản họp thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp một chủ sở hữu thì không có biên bản này), người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kí quyết định giải thể doanh nghiệp với các nội dung chủ yếu theo Khoản 2 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bao gồm:
- Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Lí do giải thể;
- Thời hạn, thủ tục thanh lí hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
- Thời hạn thanh toán nợ, thanh lí hợp đồng không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
- Phương án xử lí các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và họ, tên, chữ kí của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
BƯỚC 2: THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp chủ động thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp sau khi quyết định giải thể được thông qua một cách hợp pháp. Thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp bao gồm các công việc sau:
- Gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng kí kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp;
- Đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí kinh doanh nghiệp và niêm yết tại trụ sở chính, chi nhanh và văn phòng đại diện của doanh nghiêp các nội dung: quyết định giải thể, phương án giải quyết nợ. Đối với phương án xử lí nợ, phải rõ các thông tin về chủ nợ, khoản nợ và thời hạn và phương thức thanh toán, thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ;
- Thực hiện thủ tục thanh lí tài sản và thanh lí khoản nợ theo phương án đã thông báo công khai. Nếu như pháp luật hiện hành có quy định nội dung này thì việc thanh toán sẽ theo thứ tự ưu tiên.
BƯỚC 3: KẾT THÚC THỦ TỤC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP
Đây là bước cuối cùng của thủ tục giải thể doanh nghiệp. Tình trạng pháp lí “doanh nghiệp đã giải thể” được cơ quan đăng kí kinh doanh cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì có nghĩa là thủ tục giải thể doanh nghiệp kết thúc.
Doanh nghiệp bị cập nhật “đang làm thủ tục giải thể” ngay khi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp đối với trường hợp giải thể bắt buộc. Nhờ đó tính chất bắt buộc của việc giải thể doanh nghiệp được bảo đảm.
Bên cạnh đó, khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về giải thể đối với trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị bắt buộc giải thể thì người quản lí doanh nghiệp có liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do hành vi trên gây ra.
Trên đây là bài viết của Luật Nguyễn ACE về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp. Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ mang đến dịch vụ pháp lý tốt nhất dành cho khách hàng. Quý khách hàng có băn khoăn, thắc mắc về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp cặn kẽ, sự hài lòng của các bạn là sự thành công và mục tiêu của chúng tôi.