Hiện nay có rất nhiều loại mô hình công ty như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, trong đó công ty hợp danh xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy điều kiện để thành lập công ty hợp danh là gì? Bài viết dưới đây, Luật Nguyễn ACE sẽ đồng hành cùng các bạn để tìm hiểu về vấn đề này.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH LẬP CÔNG TY HỢP DANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
Để có thể thành lập công ty hợp danh thì phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
- Thứ nhất đó là điều kiện về chủ thể. Đây là điều kiện để thành lập công ty hợp danh đầu tiên. Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty và cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, gọi là thành viên hợp danh.
- Và các thành viên hợp danh này không thuộc các trường hợp mà pháp luật cấm, phải là cá nhân. Còn đối với thành viên góp vốn thì có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
- Điều kiện để thành lập công ty hợp danh tiếp theo đó là về hồ sơ thành lập công ty hợp danh.
- Để thành lập công ty hợp danh thì cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm đầy đủ các giấy tờ: Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp; Điều lệ của công ty hợp danh; Danh sách các thành viên của công ty hợp danh và Bản sao các giấy tờ (Giấy tờ pháp lý, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)).
- Cuối cùng đó là một số điều kiện khác như điều kiện về ngành nghề đăng ký kinh doanh, điều kiện về tên công ty hợp danh, điều kiện về trụ sở chính của công ty hợp danh…
Về ngành nghề đăng ký kinh doanh thì chủ đầu tư trong công ty hợp danh có thể tự do lựa chọn ngành nghề phù hợp và các ngành nghề này phải không thuộc các ngành nghề bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Về tên của công ty hợp danh thì không được trùng với các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó. Tên tiếng Việt của công ty gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Trong đó loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty hợp danh” và tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái, chữ số và ký hiệu.
Về trụ sở chính của công ty hợp danh thì công ty phải có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi công ty đã đáp ứng đủ các điều kiện để thành lập công ty hợp danh như nêu trên thì có thể tiến hành thủ tục thành lập công ty theo quy định của luật doanh nghiệp.
Và đó là một số điều kiện để thành lập công ty hợp danh, hãy cùng khám phá về các đặc điểm của loại hình công ty này nữa nhé.
KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA CÔNG TY HỢP DANH
KHÁI NIỆM CÔNG TY HỢP DANH
Quy định của pháp luật hiện hành không đưa ra một định nghĩa khái quát mà mô tả công ty hợp danh qua các đặc điểm đặc trưng. Cụ thể, công ty hợp danh được định nghĩa là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên gọi chung (thành viên hợp danh);
- Thành viên của công ty hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Ngoài các thành viên hợp danh thì công ty hợp danh có thể có thêm thành viên góp vốn. Và đối với thành viên góp vốn thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty hợp danh có tư cách pháp nhân;
- Đối với việc phát hành chứng khoán thì công ty hợp danh không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào.
ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA CÔNG TY HỢP DANH
Từ định nghĩa của pháp luật hiện hành có thể thấy công ty hợp danh có một số đặc điểm pháp lý sau đây:
Thứ nhất là về thành viên của công ty hợp danh
Thành viên của công ty hợp danh có hai loại: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong đó:
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân và trong công ty hợp danh bắt buộc phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh là nòng cốt của công ty hợp danh, bởi vì nếu không có thành viên này, công ty hợp danh không thể thành lập và hoạt động được.
- Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức, không bắt buộc phải có trong công ty hợp danh. Thấy rằng, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh không có vai trò quan trọng như thành viên hợp danh. Tuy nhiên, sự tham gia của thành viên này góp phần khiến cho khả năng góp vốn của công ty hợp danh cao hơn.
Thứ hai là về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của thành viên công ty hợp danh
Công ty hợp danh có hai loại thành viên với hai loại chế độ trách nhiệm khác nhau:
- Thành viên hợp danh phải cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty hợp danh. Cụ thể, thành viên hợp danh không chỉ chịu trách nhiệm bằng số tài sản bỏ vào kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình đối với mọi khoản nợ của công ty.
- Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào công ty. Trong kinh doanh, nếu công ty hợp danh gặp khó khăn hay thua lỗ thì thành viên góp vốn cũng chỉ chịu trách nhiệm đến hết phần vốn đã góp vào công ty. Trường hợp công ty hợp danh giải thể hay phá sản mà tài sản còn lại của công ty không đủ để trả nợ, thành viên góp vốn không phải dùng tài sản riêng của họ để trả nợ cho công ty. Đấy là một ưu thế của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh, họ có thể hạn chế được rủi ro khi đầu tư.
Thứ ba là về vốn của công ty hợp danh
- Tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty là vốn điều lệ của công ty hợp danh.
- Thành viên của công ty hợp danh có thể góp vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất,… và các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty. Nghĩa vụ của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn là góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
Thứ tư là về huy động vốn của công ty hợp danh
- Điều đặc biệt về vấn đề này đó là công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng.
- Vì thế khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ thì cách thức công ty thực hiện đó là kết nạp thêm thành viên mới, tăng phần vốn góp của mỗi thành viên hay ghi tăng giá trị tài sản của công ty.
- Và đối với việc tăng vốn hoạt động thì công ty có thể vay của các tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu về vốn của công ty.
Thứ năm là về tư cách pháp lý và trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh
- Loại hình doanh nghiệp này có tư cách độc lập khi tham gia giao dịch và có tài sản độc lập với các thành viên và chịu trách nhiệm độc lập bằng chính tài sản của mình.
Trên đây là bài viết của Luật Nguyễn ACE về “Điều kiện để thành lập công ty hợp danh”. Quý bạn đọc, quý khách hàng còn những vấn đề gì băn khoăn, thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý tư vấn, hỗ trợ.