Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Sau 11 tháng triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số với 16.000 DN tham gia, Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh chương trình này trong năm 2022 với mục tiêu sẽ có 30.000 DN được hỗ trợ chuyển đổi số.

kata7557-16481143304431216396316

Tại Hội nghị đẩy mạnh Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số (SMEdx) 2022 do Bộ TT&TT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, yếu tố của chuyển đổi số là nền tảng số. Nền tảng số là giải pháp đột phá để chúng ta phổ biến công nghệ số trở thành một dịch vụ và biến công nghệ số trở thành yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước… Khi đó, chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công vì công nghệ số đã thấm được vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, Thứ trưởng cho biết, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ phấn đấu cùng 63/63 địa phương vào cuộc triển khai chương trình thúc đẩy DNNVV chuyển đổi số; cùng với đó là hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để có đầu mối hỗ trợ người dân triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cũng cho biết, điểm mới của SMEdx năm 2022 chính là bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN (DBI). Bộ công cụ này sẽ được áp dụng triển khai đánh giá 3 nhóm DN, gồm DNNVV, DN lớn; tập đoàn và các tổng công ty.

Bộ chỉ số này có 6 trụ cột, gồm trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, chuyển đổi số văn hóa DN, dữ liệu và tài sản thông tin. Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí. Đây được coi là bộ công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ chuyển đổi số của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh dùng chung trên cả nước. DN có thể chủ động dựa vào hiện trạng, đối chiếu với các tiêu chí trong bộ chỉ số này, từ đó xác định tình hình chuyển đổi số nội tại.

Theo kế hoạch năm 2022, Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số của 100.000 DN trên toàn quốc dựa theo bộ công cụ này. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để hoàn thiện các chương trình hành động cụ thể, thúc đẩy DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Cũng trong năm 2022, các DN sẽ nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ ngân sách. Cụ thể, theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ DNNVV, DN sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ TT&TT chứng nhận, công bố.

Việt Nam có khoảng 870.000 DN, trong đó DNNVV chiếm hơn 98%. Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ T&TT sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ các DNNVV, với mục tiêu sẽ có 30.000 DN được hỗ trợ chuyển đổi số.

Trước đó, sau hơn 11 tháng triển khai (từ năm 2021 đến nay), SMEdx đã chọn được 23 nền tảng số “made in Vietnam” xuất sắc để công bố, giới thiệu tới các DN qua trang web Smedx.vn. Với đa dạng hình thức tiếp cận, trong năm 2021 đã có hơn 16.000 DNNVV lựa chọn sử dụng nền tảng trong chương trình.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, dịch vụ tài chính là dịch vụ được các DN sử dụng nhiều nhất trong năm 2021, trong đó nền tảng được DN sử dụng nhiều nhất là nền tảng kế toán dịch vụ số MISA ASP với 4.965 DNNVV được hỗ trợ triển khai. Đây là công cụ dành cho các đơn vị kế toán dịch vụ và các đại lý thuế sử dụng như một công cụ quản lý công việc và quản lý dữ liệu khách hàng. DN sẽ sử dụng phần mềm kế toán này làm công cụ hạch toán, kế toán. Đặc biệt, với DN không có nhân viên kế toán mà phải thuê kế toán dịch vụ, có thể sử dụng nền tảng này để xem ngay được dữ liệu kế toán, số liệu quyết toán thuế. Đây chính là tiện ích cho các DNNVV. 

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *