Quy Trình Giải Thể Doanh Nghiệp Theo Pháp Luật

Doanh nghiệp khi có nhu cầu, mong muốn giải thể doanh nghiệp thì đều phải trải qua quy trình giải thể doanh nghiệp cụ thể theo quy định của pháp luật hiện hành. Vậy quy trình giải thể doanh nghiệp bao gồm những gì? Bài viết dưới đây, Luật Nguyễn ACE sẽ đồng hành cùng các bạn tìm hiểu về “Quy trình giải thể doanh nghiệp”.

QUY TRÌNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Về cơ bản giải thể tự nguyện hay giải thể bắt buộc thì quy trình giải thể doanh nghiệp cũng phải trải qua một số bước cơ bản sau đây:

Bước 1. Bước đầu tiên của quy trình giải thể doanh nghiệp đó là “Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp”. Công việc này thuộc về chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ở bước này doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể. Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên và bao gồm một số nội dung chủ yếu:

  • Thứ nhất, đó là tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Thứ hai, lý do giải thể doanh nghiệp;
  • Thứ ba, thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án xử lý nợ, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng….
Quy trình giải thể doanh nghiệp
Quy trình giải thể doanh nghiệp

Bước 2. Đó là “Thông báo công khai quyết định giải thể doanh nghiệp”. Công việc cụ thể ở bước này như sau:

  • Gửi quyết định giải thể doanh nghiệp tới các đối tượng liên quan như: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động.
  • Đăng tải công khai quyết định giải thể, phương án giải quyết nợ lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3. Bước tiếp theo đó là “Thanh lý tài sản của và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp”. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các khoản nợ được thanh toán theo thứ tự như sau:

  • Đầu tiên là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động;
  • Tiếp đó là các khoản nợ thuế;
  • Cuối cùng là các khoản nợ khác.

Bước 4. Đó là “Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp”. Ở bước này người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thời hạn gửi hồ sơ trong vòng 05 ngày kể từ khi doanh nghiệp thanh toán hết các khoản nợ. Hồ sơ giải thể bao gồm các giấy tờ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Bước 5. Bước cuối cùng của quy trình giải thể doanh nghiệp đó là “Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Bước này có ý nghĩa là thủ tục giải thể doanh nghiệp đã kết thúc. Cụ thể, thủ tục giải thể kết thúc khi cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp – tình trạng “doanh nghiệp đã giải thể” trong thời hạn 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

KHÁI NIỆM GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Giải thể là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức. Giải thể trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành với các công việc chính là thanh lý tài sản của doanh nghiệp và thanh toán các khoản nợ, tiến tới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp để rút khỏi thị trường.

Nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi doanh nghiệp giải thể, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể, bảo đảm cho việc doanh nghiệp chỉ chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường khi hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động.

Như vậy, có thể hiểu: Thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp đó là giải thể doanh nghiệp. Hay cụ thể: Quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán và bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp được gọi là giải thể doanh nghiệp.

ĐẶC ĐIỂM CỦA GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

  • Đặc điểm về bản chất thì giải thể doanh nghiệp là một quá trình doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động nhằm chấm dứt sự tồn tại của nó. Các hoạt động đó cụ thể là hoạt động kinh tế bao gồm thanh lý tài sản, thanh toán nợ và hoạt động pháp lý bao gồm việc thực hiện các thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp giải thể.
  • Đặc điểm về lý do giải thể thì có thể xuất phát từ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hoặc do ý chí tự nguyện của chủ doanh nghiệp. Trên thực tế doanh nghiệp giải thể do ý chí tự nguyện của chủ doanh nghiệp khi họ không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ nhưng chưa đến mức độ không thể thanh toán nợ đến hạn.
  • Đặc điểm về điều kiện giải thể doanh nghiệp thì pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp chỉ có thể rút khỏi thị trường một cách hợp pháp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.
  • Đặc điểm về chủ thể quyết định việc giải thể thì đối với doanh nghiệp việc quyết định giải thể thuộc về chủ sở hữu doanh nghiệp.
Các bước trong quy trình giải thể
Các bước trong quy trình giải thể

CÁC TRƯỜNG HỢP VÀ ĐIỀU KIỆN LÀM QUY TRÌNH GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

CÁC TRƯỜNG HỢP GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì có hai trường hợp giải thể doanh nghiệp đó là:

  • Thứ nhất, đó là giải thể tự nguyện theo ý chí của chủ sở hữu. Trường hợp này diễn ra khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ nhưng doanh nghiệp không tiến hành gia hạn. Hoặc trong trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp vì một lý do nào đó mà không muốn tiếp tục kinh doanh.
  • Thứ hai, đó là giải thể bắt buộc theo ý chí của cơ quan nhà nước. Cụ thể là khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định pháp luật hiện hành mà không có biện pháp khắc phục trong thời gian luật định. Hoặc khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và bị đinh chỉ hoạt động cũng như thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Để tiến tới quy trình giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp muốn giải thể phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể doanh nghiệp được giải thể khi:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong quá trình doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh trước đó;
  • Thứ hai, để có thể tiến hành giải thể được thì doanh nghiệp phải không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án.

Trên đây là những giải đáp của Luật Nguyễn ACE về “Quy trình giải thể doanh nghiệp”. Nếu quý bạn đọc còn khó khăn, vướng mắc về vấn đề này hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *