Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội theo pháp luật

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều được thành lập nhằm mục đích lợi nhuận. Doanh nghiệp xã hội được các cá nhân/tổ chức thành lập nhằm mục đích cộng đồng – xã hội. Cùng Luật Nguyễn tìm hiểu về loại hình doanh nghiệp này cũng như thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội.

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Trước khi tìm hiểu về thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội, hãy cũng tìm hiểu những thông tin về loại hình doanh nghiệp này nhé.

Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm Doanh nghiệp xã hội nhưng căn cứ vào Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 về tiêu chí quyền và nghĩa vụ có thể hiểu Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng xã hội, yếu tố lợi nhuận cho các cổ đông/thành viên chỉ là một yếu tố nhỏ trong mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 41/2021/NĐ – CP về hướng dẫn chi tiết Luật Doanh nghiệp thì có thể thấy đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp xã hội được khái quát như sau:

  • Doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu cộng đồng rõ nét ngay từ khi thành lập;
  • Sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, khách quan là phương tiện để đạt mục tiêu xã hội;
  • Sử dụng phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để đầu tư trở lại tổ chức, cộng đồng nhằm đáp ứng mục tiêu xã hội.

Các loại hình doanh nghiệp xã hội

Pháp luật cũng không quy định cứng nhắc về tổ chức loại hình doanh nghiệp. Vậy nên, có thể hiểu doanh nghiệp xã hội có thể được tổ chức dưới bất kỳ loại hình nào phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020:

Doanh nghiệp có thể lựa chọn loại hình phù hợp với mục tiêu hoạt động cũng như nhu cầu.

Điều kiện làm thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Trước khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội thì cần chú ý các điều kiện để thành lập doanh nghiệp xã hội phù hợp với quy định Luật Doanh nghiệp 2020.

Điều kiện làm thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội
Điều kiện làm thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Chủ thể thành lập doanh nghiệp xã hội

Chủ thể thành lập doanh nghiệp xã hội có đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước,…

Tên doanh nghiệp xã hội

  • Đối với tên riêng, phần tên riêng trong công ty phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng việt và F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  • Tên doanh nghiệp phải được thể hiện  tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách treo biển hiệu. Ngoài ra tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành để có thể nhận diện thương hiệu.
  • Khi đặt tên doanh nghiệp cần lưu ý đến những điều cấm trong việc đặt tên của một doanh nghiệp:
    • Thứ nhất, tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với các Doanh nghiệp xã hội đã đăng ký tên trước đó.
    • Thứ hai, tên Doanh nghiệp xã hội giống tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp. Trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
    • Tên Doanh nghiệp xã hội có chứa các từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc xúc phạm tới một cá nhân/ tổ chức khác.

Ngành nghề kinh doanh

Bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào đều có quyền tự do đăng ký  kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên cần cân nhắc các loại ngành nghề phù hợp với lĩnh vực doanh nghiệp xã hội.

Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp xã hội là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Với vai trò như vậy, doanh nghiệp xã hội  cần có một người đại diện pháp luật có đủ trình độ và đáp ứng các điều kiện theo luật định.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội được áp dụng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ – CP về Đăng ký Doanh nghiệp.

Bước 1: Chọn loại hình thành lập Doanh nghiệp xã hội

Theo đó thì tùy vào quy mô, nguồn vốn, lĩnh vực kinh doanh, số lượng thành viên, hoạch định phát triển của doanh nghiệp xã hội… mà chúng ta sẽ chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp như sau:

  • Công ty TNHH
  • Công ty cổ phần
  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Công ty hợp danh

Mỗi loại hình công ty sẽ có những ưu – nhược điểm riêng nên các chủ thể cần cân nhắc lựa chọn.

Bước 2: Tiến hành chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Căn cứ vào nghị định 01/2021/NĐ – CP về đăng ký doanh nghiệp, một bộ hồ sơ thành lập công ty cơ bản sẽ gồm những giấy tờ như sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh được kê khai đầy đủ, chính xác thông tin theo biểu mẫu quy định tại thông tư 01/2021 của bộ kế hoạch và đầu tư.
  • Bản sao công chứng CCCD/CMND hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của các thành viên, cổ đông sáng lập công ty.
  • Dự thảo điều lệ công ty.

Bước 3: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền xử lý

Sau khi chuẩn bị hồ sơ xong, doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền nộp hồ sơ tới cơ quan đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư – nơi đặt trụ sở doanh nghiệp.

Thời gian xử lý hồ sơ: 3 ngày làm việc

Bước 4: Tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia

Sau khi được cấp “giấy chứng nhận đăng ký công ty, doanh nghiệp” thì quý vị phải đăng bố cáo công khai tại “Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” theo trình tự, thủ tục và tiến hành trả phí theo quy định.

Bước 5: Khắc con dấu công ty

Sau khi nhận được “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và mã số thuế” thì các chủ đầu tư cần tiến hành khắc dấu của công ty. Doanh nghiệp sẽ tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình.

Bước 6: Các thủ tục sau khi thành lập Doanh nghiệp xã hội

  • Đăng ký mở tài khoản ngân hàng của công ty, doanh nghiệp.
  • Thiết lập hồ sơ thuế ban đầu.
  • Mua chữ ký số điện tử.
  • Nộp tờ khai, lệ phí môn bài.
  • Làm biển hiệu công ty.
  • Đăng ký hoá đơn điện tử.
  • Tiến hành làm hồ sơ kế toán, báo cáo thuế…
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

Thứ nhất, lưu ý về tiêu chí về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

Trước khi thành lập doanh nghiệp xã hội, các chủ đầu tư cần lưu ý tới sứ mệnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Bởi lẽ đây là loại doanh nghiệp duy nhất quy định về quyền và nghĩa vụ thể hiện trách nhiệm xã hội. Cụ thể, tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội được quy định như sau:

  • Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng xã hội;
  • Sử dụng tối thiểu 51% tổng lợi nhuận kinh doanh sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;
  • Người đứng đầu/quản lý doanh nghiệp xã hội được tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
  • Được huy động, nhận hỗ trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp  chi phí quản lý, và duy trì hoạt động ổn định của doanh nghiệp;
  • Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích tư lợi khác.

Thứ hai, lưu ý về hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Khi chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội cần chú ý kèm theo cam kết thực hiện mục tiêu xã hội. Nội dung này được quy định tại Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ – CP về Đăng ký Doanh nghiệp.

Nếu bạn đọc còn băn khoăn về thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội hay bất kỳ vấn đề vướng mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn ACE để được giải đáp chi tiết hơn.

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *